Lồng ghép giới vào các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi

09:02 PM 11/12/2019 |   Lượt xem: 21385 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chia sẻ, làm rõ vấn đề bất bình đẳng giới trong vùng DTTS, qua đó Hội thảo đã phát hiện và đề cập đến các mục tiêu lồng ghép giới vào từng dự án thuộc Chương trình MTQG, cụ thể như các dự án: “Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo”, “Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết” đề xuất được 7 vấn đề giới lồng ghép trong dự án; dự án “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp phát huy tiềm năng thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị” đề cập đến vấn đề về giới trong 10 lĩnh vực…

Nhiều nội dung cụ thể cũng đã được các đại biểu đề xuất và thảo luận như: Việc lồng ghép giới trong các dự án của Chương trình MTQG theo các nhóm vấn đề (y tế, giáo dục, kinh tế, văn hóa…); các nội dung, hoạt động cần phải có trong các dự án thành phần để đảm bảo bình đẳng giới trong các lĩnh vực. Đối tượng, địa bàn thực hiện dự án cũng được các đại biểu thảo luận, phân tích;

Đề cập đến cách thức triển khai, các đại biểu cho rằng, cần tiếp cận và bắt đầu xây dựng Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG từ 2 khía cạnh: Vấn đề cấp thiết nhất về phụ nữ và trẻ em DTTS như thế nào; năng lực tiếp cận các dịch vụ xã hội của phụ nữ DTTS? Vì đây là dự án độc lập, do đó để triển khai hiệu quả cần phải lựa chọn những vấn đề cấp thiết nhất để triển khai trong dự án, còn các vấn đề khác nên để lồng ghép vào các dự án khác trong Chương trình MTQG.

Các đại biểu cũng đề xuất, Hội LHPN Việt Nam nên là cơ quan chủ trì Dự án 8 và các cơ quan khác tham gia với vai trò thực hiện các tiểu dự án, trong đó cần phân công một cách phù hợp giữa các cơ quan, tổ chức.

Toàn cảnh Hội thảo

Tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh ghi nhận và đánh giá cao các ý tưởng, đề xuất hay từ phía các chuyên gia, đồng thời cho biết, năm 2019 là năm tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc, qua đó Trung ương đã ra Kết luận số 65-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác dân tộc trong tình hình mới, Quốc hội ban hành Nghị quyết 88/2019/QH14. Hội thảo lần này là một trong những hành động để thực hiện Kết luận 65-KL/TW và Nghị quyết 88/2019/QH14.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm chia sẻ, hiện nay UBDT cùng các cơ quan liên quan đang xây dựng tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS, để từ đó cần có các chính sách cụ thể cho vùng dân tộc miền núi và biên giới. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Hoàng Thị Hạnh cho rằng: Đối tượng phụ nữ và trẻ em ở các xã, thôn, bản, hộ gia đình ở vùng DTTS cần được quản lý, cụ thể là cần một cán bộ là phụ nữ để lập kế hoạch triển khai công tác tập hợp hội viên và tất cả các tổ chức hội khác để tổ chức triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là triển khai các dự án, đề án thuộc Chương trình MTQG.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm nhấn mạnh, Dự án 8 sẽ bao trùm toàn bộ vùng đồng bào DTTS, trong đó có cả người DTTS và người Kinh. Những doanh nghiệp hỗ trợ trong triển khai dự án sẽ có những chính sách cụ thể do các bộ, ngành đề xuất. Việc đầu tư cho vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho những vị trí hết sức quan trọng để đảm bảo quốc phòng an ninh và phát triển kinh tế của cả đất nước.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm cũng đặc biệt nhấn mạnh tới việc thay đổi phương thức giáo dục đào tạo, vấn đề truyền thông, vấn đề về y tế…  nhằm giải quyết hiệu quả, bền vững những vấn đề bức thiết nhất ở vùng DTTS và miền núi hiện nay.

Xuân Thường