Hội nghị công tác bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số năm 2019

04:03 PM 31/05/2019 |   Lượt xem: 3083 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh phát biểu khai mạc Hội nghị

Báo cáo khái quát tình hình triển khai công tác bình đẳng giới vùng DTTS năm 2018-2019, bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, UBDT cho biết: Ngay sau khi Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 được ban hành, UBDT đã chủ động xây dựng kế hoạch và văn bản hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện Đề án; đồng thời có văn bản phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề nghị phối hợp, đôn đốc, chỉ đạo và thực hiện Đề án trong ngành, lĩnh vực được giao quản lý trên địa bàn các tỉnh vùng DTTS, đặc biệt là các địa bàn có DTTS rất ít người sinh sống.

Công tác giáo dục, truyền thông về bình đẳng giới tại vùng DTTS được thực hiện thường xuyên, thông qua nhiều hình thức như: lồng ghép tuyên truyền qua các báo, tạp chí thực hiện Quyết định số 59/QĐ-TTg ngày 16/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ; thông qua Cổng thông tin điện tử của UBDT và cơ quan làm công tác dân tộc các địa phương; thông qua các buổi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức triển khai các chương trình, chính sách dân tộc, lồng ghép tuyên truyền trong các buổi bồi dưỡng kiến thức cho Người có uy tín trong đồng bào DTTS.

Quang cảnh Hội nghị

UBDT đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng tổ chức thành công Hội thi tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho học sinh các Trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh với 9 đội thi, gần 100 thí sinh tham gia. Năm 2018, UBDT đã tổ chức 05 lớp tập huấn về bình đẳng giới tại các tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Tuyên Quang, Kon Tum và phối hợp với Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức 02 lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác dân tộc một số tỉnh kỹ năng lồng ghép giới trong lập kế hoạch triển khai Chương trình 135. UBDT đã phối hợp xây dựng 08 mô hình điểm về bình đẳng giới tại các xã có đồng bào dân tộc rất ít người của một số tỉnh, gồm những hoạt động như: cung cấp thông tin về giới, pháp luật về bình đẳng giới; thúc đẩy bình đẳng giới thông qua các can thiệp phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ phát triển kỹ năng xã hội cho phụ nữ DTTS, cam kết thực hiện bình đẳng giới trong các quy ước thôn, bản…

Bà Mã Én Hằng, Phó trưởng Ban Dân tộc Lào Cai phát biểu ý kiến

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng trao đổi và nhận định về những kết quả của công tác, xây dựng mô hình bình đẳng giới triển khai thời gian qua và một số tồn tại, đề xuất cụ thể để góp phần triển khai Đề án. Nhiều đại biểu kiến nghị cần tăng kinh phí cho công tác và đề nghị: tăng cường nhận thức của cán bộ cấp cơ sở; đi sâu khai thác theo khía cạnh văn hóa, phong tục tập quán của từng dân tộc; phát huy vai trò của ông mai, bà mối để trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả; xây dựng hướng dẫn, kế hoạch, nội dung tuyên truyền và thường xuyên cập nhật cho các địa phương, đội ngũ các báo cáo, tuyên truyền viên ở cơ sở; công tác lồng ghép vào các nội dung tuyên truyền pháp luật, chính sách; công tác triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả…

Đại biểu từ tỉnh Tuyên Quang trao đổi ý kiến

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh: Với các chỉ tiêu cụ thể, mục tiêu của Đề án là tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ ở vùng DTTS, góp phần thúc đẩy thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới. Đây chính là cơ hội để phát huy năng lực cho từng gia đình, từng cộng đồng và người dân được hưởng thụ thành quả của quá trình đó. Việc coi phụ nữ là chủ thể sẽ góp phần nâng cao cơ hội học tập, tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ xã hội, xóa bỏ các rào cản do yếu tố văn hóa tác động và nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực nữ DTTS. Nhận thức về vai trò của công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng, đặc biệt đối với đội ngũ cán bộ ở cơ sở.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự Hội nghị

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị cơ quan làm công tác dân tộc tại địa phương chủ động lồng ghép các nội dung của Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng DTTS giai đoạn 2018-2025 trong công tác xây dựng kế hoạch, triển khai chính sách dân tộc; tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành để triển khai hiệu quả và tiếp tục tổ chức xây dựng mô hình bình đẳng giới với nhiều nội dung phong phú tại địa phương, trên cơ sở bảo tồn và phát triển văn hóa, du lịch để loại trừ hủ tục, tăng cường lồng ghép qua công tác truyền thông. Các ý kiến trao đổi thảo luận sẽ được UBDT tổng hợp, nghiên cứu lồng ghép vào các nội dung chính sách trong Đề án tổng thể đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS, miền núi và vùng KT-XH đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030.