Tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2016-2020

07:15 PM 17/07/2022 |   Lượt xem: 2557 |   In bài viết | 

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông phát biểu tại Hội nghị

Tham dự Hội nghị có: Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông; lãnh đạo và chuyên viên các vụ, đơn vị trực thuộc UBDT; lãnh đạo và chuyên viên các phòng nghiệp vụ thuộc Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, TP. Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi.

Khách mời của Hội nghị là TS. Nguyễn Huy Hoàng - Phó Hiệu trưởng Trường Cán bộ Thanh tra và chuyên gia tư vấn cao cấp Hoàng Xuân Thành.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông nhấn mạnh: Công tác thanh tra, kiểm tra là việc làm cần thiết, có ý nghĩ quan trọng để chúng ta thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc. Qua thanh tra, kiểm tra, là cơ sở để chúng ta điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, những việc chưa làm được trong thực hiện công tác dân tộc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông đề nghị các đại biểu tham dự Hội nghị cần trao đổi thẳng thắn, lựa chọn vấn đề trọng tâm để thảo luận; có như vậy công tác thanh tra, kiểm tra mới đi vào thực chất, không nể nang, né tránh.

Chánh Thanh tra UBDT Võ Văn Bảy trao đổi tại Hội nghị

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, công tác thanh, kiểm tra giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thanh tra UBDT, Thanh tra Ban Dân tộc của 52 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành 675 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, Thanh tra Ban Dân tộc của 48 tỉnh, thành phố tiến hành 469 cuộc thanh tra, 125 cuộc kiểm tra; 4 tỉnh có cơ quan làm công tác dân tộc tiến hành 40 cuộc kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn các tỉnh; Thanh tra UBDT đã tổ chức 41 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc (30 cuộc thanh tra chuyên ngành, 8 cuộc thanh tra hành chính, 3 cuộc kiểm tra).

Công tác thanh tra chuyên ngành trong 5 năm qua đã lựa chọn vấn đề, nội dung trọng tâm, then chốt để thực hiện. Đó là việc tổ chức triển khai, thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS); tổ chức thực hiện Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng DTTS; dự án thành phần của chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gồm cả nguồn vốn do chính phủ Ai Len tài trợ; thực hiện chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản ĐBKK;

Bà Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình tham gia ý kiến

Tổ chức triển khai, thực hiện đề án phát triển KT-XH vùng các dân tộc Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi, hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người; chính sách đối với học sinh các trường phổ thông DTNT, học sinh bán trú và trường phổ thông DTNT; chế độ cử tuyển vào các cơ sở công lập và chính sách cán bộ, công chức, viên chức người DTTS; công tác tuyển sinh và chế độ chính sách đối với học sinh là người DTTS tại Trường Dự bị Đại học dân tộc Sầm Sơn (Thanh Hóa);

Trách nhiệm của UBDT một số tỉnh trong việc thực hiện chế độ cử tuyển, công tác tiếp nhận và phân công công tác cho người học theo chế độ cử tuyển của địa phương; chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK; việc thực hiện đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các chính sách dân tộc tại TP. Hà Nội, kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Kạn…

Về công tác thanh tra hành chính, trong 5 năm qua, Thanh tra UBDT tiến hành thanh tra 8 cuộc, thời gian tiến hành kịp thời nên đã giúp các đơn vị trực thuộc UBDT nhận ra khuyết điểm, tồn tại; đồng thời khắc phục không để xảy ra sai phạm lớn, gồm: Thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, công tác phòng, chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại tố cáo, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại 8 Vụ, đơn vị.

Việc xử lý sau thanh, kiểm tra cũng đang được đẩy mạnh. Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thanh tra UBDT phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính là hơn 235 tỷ đồng; đồng thời đôn đốc bằng văn bản đối với các đối tượng thanh tra trong việc chấp hành kết luận thanh tra. Từ năm 2016 đến nay, tổng số tiền các đối tượng thực hiện kết luận thanh tra đã nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra UBDT là 5,2 tỷ đồng. Từ những phát hiện sai phạm, hạn chế, thiếu sót qua công tác thanh tra, kiểm tra chưa đến mức phải đề nghị xử lý cao hơn, nên đã yêu cầu, kiến nghị tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm hoặc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

Ông Lê văn Dũng, Chánh Thanh tra Ban Dân tộc Thanh Hóa phát biểu

Báo cáo tại Hội nghị cũng cho thấy, công tác thanh kiểm tra giai đoạn vừa qua cũng bộc lộ nhiều hạn chế, khó khăn, bất cập. Phần lớn các địa phương, đơn vị được thanh tra, kiểm tra đều có hạn chế, thiếu sót trong tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách; các vi phạm xảy ra ở nhiều khâu, nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực liên quan đến công tác tài chính như phân bổ, cấp phát, quản lý, sử dụng nguồn vốn.

Tại Hội nghị, đã có nhiều ý kiến tham gia thảo luận, trao đổi nhiều nội dung về các vấn đề liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện công tác dân tộc. Các ý kiến đã nêu lên thực trạng khó khăn, bất cập, vướng mắc thông qua thực hiện thanh kiểm tra tại các cơ sở, như: Thiếu kỹ năng, nghiệp vụ, chồng chéo thanh kiểm tra giữa các đơn vị có liên quan, việc xử lý sau kết luận thanh tra. Đồng thời đề nghị lãnh đạo UBDT, các vụ và đơn vị trực thuộc có giải pháp quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ về việc tăng cường chuyên môn nghiệp vụ, kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức tham mưu thanh kiểm tra ở cơ sở…

Kết luận tại Hội nghị, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông cho rằng: Mục đích của hội nghị hôm nay là trao đổi, bàn thảo để công tác thanh kiểm tra phù hợp hơn với thực tế, góp phần đưa các chính sách dân tộc đi vào thực tiễn hiệu quả. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị, Thanh tra UBDT tổng hợp các ý kiến, xây dựng báo cáo trình Bộ trưởng đưa vào chương trình, kế hoạch hoạt động năm 2023, để công tác thanh kiểm tra được tốt hơn trên cơ sở khắc phục những hạn chế, thiếu sót, vướng mắc.

(baodantoc.vn)