Lễ hội Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang: Nên phát triển thành lễ hội truyền thống

01:59 AM 04/11/2010 |   Lượt xem: 2009 |   In bài viết | 

Sự khởi đầu ấn tượng

Quốc lộ 32 chạy qua Mù Cang Chải lên mãi Lai Châu và Sa Pa đã được cải tạo, việc đi lại thật thuận tiện khiến những năm gần đây lượng du khách đi qua Mù Cang Chải ngày một đông. Hình ảnh ruộng bậc thang và quê hương Mù Cang Chải cũng vì thế mà ngày càng được nhiều người biết đến. Bà con ở đây cho biết, những năm gần đây, cứ vào mùa làm đất  cấy lúa, mùa gặt thì người ở tận trong Nam ngoài Bắc kéo nhau về đây thăm quan, chụp ảnh rất đông.

Mùa lúa năm nay, vì có Tuần lễ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Danh thắng quốc gia Ruộng bậc thang nên người khắp nơi cùng đổ về như nêm. Suốt theo tuyến quốc lộ 32 từ ngã ba Kim qua Chế Cu Nha hay lên La Pán Tẩn… hàng trăm tay máy thi nhau lựa chọn những khuôn hình ưng ý nhất của ruộng bậc thang.

Chắc chắn du khách và các nhà nhiếp ảnh không phải thất vọng vì thời tiết ở Mù Cang Chải mùa này đẹp nhất, lúa đã chín vàng nên ruộng bậc thang khoe hết những gì tuyệt vời nhất trong suốt một mùa vụ được nhào nặn bởi con người và đất trời nơi đây.

Họ càng thấy thú vị hơn khi được hoà mình vào bầu không khí lễ hội mang đậm sắc thái văn hoá đặc sắc của người Mông - tộc người chiếm trên 90% dân số ở huyện vùng cao này. Đó là, hình ảnh những chàng trai Mông lực lưỡng đang gồng mình thi đấu môn đẩy gậy hoặc rạp mình trên lưng những chú ngựa đua phóng như bay, các cô gái Mông sánh vai nhau cùng thi bắn nỏ. Trong phiên chợ vùng cao có biết bao nhiêu sản vật quý như: mộc nhĩ, nấm hương, thảo quả, ý dĩ, sơn tra, mật ong, măng ớt… bày ra mời chào du khách. Có những gia đình người Mông dắt cả bầy dê xuống chợ bán.

Ở góc trong của khu chợ, những chiếc bễ lò rèn truyền thống của người Mông phì phì lửa hồng, tiếng búa chan chát để rèn nông cụ và những vật dụng khác cho du khách mua đồ lưu niệm. Cạnh đó, lò nấu rượu thóc thơm nồng quện với mùi thơm phức của chảo thắng cố làm bao chàng trai cô gái Mông chếnh choáng men rượu, men tình giữa âm thanh của điệu khèn tìm bạn.

Rời Phiên chợ vùng cao, du khách ngược lên La Pán Tẩn, Zế Xu Phình và các bản của xã Chế Cu Nha, còn được xem cách thức canh tác ruộng bậc thang của người Mông, dự lễ mừng cơm mới, nhìn ngắm những ngôi nhà của bà con được xây dựng theo kiến trúc truyền thống. Chủ nhân của những ngôi nhà ấy thật thân thiện sẵn lòng mời ta chén rượu của tình anh em bè bạn và kể cho khách nghe cả kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc Mông…

Nên phát triển thành lễ hội truyền thống

Mặc dù mới là lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Danh thắng Ruộng bậc thang nhưng Ban Tổ chức đã nhận thấy sự thành công lớn hơn cả sự mong đợi. Trong lòng mỗi du khách rời lễ hội mang theo cả sự mãn nguyện khi tiếp cận được những vẻ đẹp của cảnh quan và bao điều mới lạ ở nơi đây.

Vượt xa hơn những ý nghĩa trên, lễ hội này sẽ mở rộng sự giao lưu giữa Mù Cang Chải với mọi miền Tổ quốc. Hình ảnh của vùng đất tươi đẹp nhưng cũng còn đầy tiềm năng kinh tế, giá trị văn hóa đang tiềm ẩn chưa được khám phá sẽ tiếp tục được quảng bá vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia. Thông qua đó, sẽ tạo nên nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội ở vùng cao Mù Cang Chải phát triển.

Tuy nhiên, để trở thành một lễ hội truyền thống, ngay từ bây giờ chúng ta phải hoạch định được chiến lược phát triển. Trong đó, cần chú ý thu hút sự tham gia của các địa phương trong và ngoài tỉnh có đông đồng bào Mông sinh sống và cùng có truyền thống canh tác ruộng bậc thang; rà soát lại các sinh hoạt văn hóa, lễ hội, nghi lễ truyền thống của đồng bào Mông nói chung và người Mông ở Mù Cang Chải nói riêng để giới thiệu với du khách.

Các ngành nghề truyền thống cũng cần được khảo sát nhằm khôi phục và bảo tồn, gắn với thương mại và du lịch; quy hoạch và bảo tồn các làng, khu dân cư giữ được các sắc thái văn hóa truyền thống để du khách thăm quan; tăng cường đầu tư hệ thống đường giao thông để khách du lịch có thể đi ô tô thuận tiện đến các xã: Nậm Khắt, La Pán Tẩn, thậm chí là có thể đến cả Khu bảo tồn thiên nhiên Chế Tạo…

Việc phổ biến những giá trị văn hoá truyền thống cần bảo đảm tính đặc thù địa phương, nhưng phải thể hiện được yếu tố mới lạ để lễ hội không bị nhàm chán. Đặc biệt, cần tăng cường về cơ sở vật chất, dịch vụ đáp ứng yêu cầu ăn, nghỉ của lượng du khách ngày càng tăng.

Hoàng Nhâm (Báo Yên Bái) [TT: H.T.N]