Nhà sàn cổ của người Mường

10:04 AM 25/02/2011 |   Lượt xem: 3919 |   In bài viết | 

Trong rất nhiều lần dừng chân ở Giang Mỗ (xã Bình Thanh - Cao Phong - Hòa Bình), nơi có hàng trăm hộ người dân tộc Mường đang sinh sống, tôi được nghe nhiều câu chuyện cổ về cách xây cất nhà sàn và chiếc bếp lửa cổ xưa.

Trong áng mo "Đẻ đất, đẻ nước" của người Mường cũng có đoạn kể: Một hôm Lang Đá Cần, vị Lang đầu tiên cai quản đất Mường đi bẫy và bắt được một con rùa. Con rùa van nài Lang đừng giết thịt, bù lại rùa mách bảo cho cách làm nhà sàn. Rùa dạy: Bốn chân tôi là bốn cột cái/ Hai mai tôi là hai mái nhà/ Xương sống tôi là đòn nóc/ Chặt cây lim làm cột/ Lạt buộc bằng cây giang/ Cỏ gianh dùng để lợp. Câu chuyện này được coi như một điển tích về sự ra đời của nhà sàn cổ của người Mường...

Trong truyền thống văn hoá của dân tộc Mường thì không cho phép dựng nhà thành hàng, lối nhưng bao giờ, nhà sàn cũng đều ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận tiết trời trong lành ban tặng và tiện cho việc sinh hoạt, săn bắn, đi rừng.

Nhà sàn của người Mường thường phân ra ba mặt bằng: mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình, sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi, còn gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, gia cầm. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau, nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau. Nguyên liệu cơ bản được bà con sử dụng để dựng nhà sàn là gỗ, thường là các loại gỗ trai, chò chỉ, nghiến, sến, táu, dổi, de, đinh, lát...

Ngoài gỗ để làm các chi tiết chính, nhà sàn của người Mường cần sử dụng các loại tre, bương, hóp để làm đòn tay, đan vách... Cột nhà làm bằng gỗ tròn hoặc vuông nhưng phổ biến là tròn; chân cột thường được chôn xuống đất từ 80cm đến 1m, nhưng cũng có nơi dùng các hòn đá tảng để kê.

Nhà sàn Mường cổ truyền thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái... (tương đương ba gian năm gian, bảy gian...). Các cửa sổ, kể cả cửa voóng toong (cửa sổ chính) chỉ làm ở phía trước của ngôi nhà. Giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt có tính chất tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa, nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt rằng, ai được vào và ai không được vào. Đặc biệt, hướng cửa sổ ngôi nhà với người Mường được coi là nơi rất linh thiêng và là điều tối kỵ nếu phụ nữ ngồi lên cửa sổ. Cửa sổ trong tiềm thức và phong tục lâu đời của người dân tộc Mường là dùng để tiễn đưa những người thân trong gia đình sang thế giới bên kia sẽ đi theo lối ấy.

Trước đây, nhà sàn cổ sử dụng đinh gỗ, đinh tre, chêm gỗ để cố định mộng chính và dùng các loại dây leo bện để nín những mộc phụ theo hình chữ X. Mái nhà sàn cổ thường được lợp bằng cỏ gianh, lá cọ nên ngôi nhà ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè. Người Mường xưa thể hiện sự giàu có, địa vị xã hội bằng cách làm nhà to, làm nhiều nhà.

"Màn" hay còn gọi là cầu thang của nhà thường được làm bằng gỗ hoặc nguyên thân cây gỗ tròn và tạo bậc trên chính những thân cây đó hay cũng có thể được đẽo thành hình chữ nhật. Cầu thang không dựng thẳng vào cửa chính mà dựng vào mép một cái sảnh gỗ và đặt vuông góc với chiều đòn nóc của nhà.

Theo phong tục của người dân tộc Mường khi làm cầu thang thì bậc thang nhất thiết phải là số lẻ và được dựng ở các thế đất khác nhau. Theo quan niệm của người dân tộc Mường, số lẻ của bậc thang thể hiện ước nguyện quy luật vào - ra - vào để của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình luôn được êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt.

Bộ phận đặc biệt và quan trọng nhất của một ngôi nhà sàn người Mường là ba hòn nục - vua bếp, hay còn gọi là bếp lửa. Bếp chính được đặt ở pên cloong, tức là bên trong và pên đượi, tức là ở bên dưới của nhà. Ở gian ngoài, gian khách cũng có một bếp phụ ở pên đượi - bên dưới đó là nơi tiếp khách và cạnh bên là bếp lửa dùng để sưởi, hong khô các vật dụng... và đun nước pha trà.

Lò bếp là một cái khung hình vuông, cũng có thể là hình chữ nhật rộng chừng hơn 1m2, ghép bằng những tấm ván dày, bên trong có nện đất, đặt ngay trên mặt sàn. Trong lò bếp người Mường, dù cho đến khi có kiềng sắt, người Mường vẫn dùng ba hòn nục (còn gọi là ba ông đầu rau - người Kinh). Ba hòn nục tượng trưng cho vua bếp. Việc dâng cúng vua bếp, người dân làm vào các dịp có nấu nướng lớn, còn mâm cúng không nhất thiết đặt cạnh bếp lò, có thể đặt ở ông công (thần thổ địa). Điều đặc biệt, người Mường rất cẩn thận trong sử dụng bếp, tuyệt đối kiêng kỵ không được làm ô uế lò bếp.

Thường người Mường ít khi để bếp tắt, nếu không đun nấu thì sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, bếp luôn có hơi ấm. Ngọn lửa ấm áp của bếp nhà sàn thể hiện nét sinh hoạt văn hóa đoàn kết, ấm cúng và thân thiện của bà con dân tộc Mường đã được lưu giữ qua bao thế hệ từ hàng trăm năm nay.

Theo Nguyễn Hải Sơn (Báo Công an nhân dân điện tử) [TT: NTV]