Trạm Tấu: Đẩy mạnh đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

08:14 AM 15/12/2011 |   Lượt xem: 1626 |   In bài viết | 
Cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Lò Văn Thạch ở thôn Lừu 1, xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu mới mở gần 5 tháng nhưng lúc nào cũng đông khách. Khách hàng chủ yếu là người dân trong xã và các xã lân cận như: Bản Công, Bản Mù, Xà Hồ... Anh Thạch cho biết, sau khi tham gia lớp học nghề sửa chữa xe máy tại Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu, anh cùng người bạn góp vốn  mở cửa hàng sửa chữa xe máy. Vừa làm, vừa tích lũy thêm kinh nghiệm nên tay nghề của anh ngày một nâng cao. Lượng khách đến sửa xe máy ngày một tăng, trung bình mỗi ngày sửa từ 7 - 10 xe.

Sau khi trừ mọi chi phí, mỗi tháng thu nhập từ cửa hàng được trên 6 triệu đồng. Anh Thạch mong muốn Nhà nước hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi để mở rộng cửa hàng, mua sắm thêm các trang thiết bị phục vụ cho công việc. Anh Giàng A Lâu ở thôn Mù Cao, xã Bản Mù, khách hàng sửa xe tại cửa hàng cho biết: “Hễ xe máy bị trục trặc, mình đều mang xuống đây để sửa. Anh Thạch sửa xe cẩn thận lắm! ở thôn mình ai bị hỏng xe đều mang đến sửa ở đây”.

Cũng ở xã Hát Lừu còn có cửa hàng sửa chữa xe máy của anh Lò Văn Viễn ở thôn Hát l. Tuy cửa hàng của anh Viễn không đông khách như cửa hàng của anh Thạch song cũng mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Anh Viễn là học viên lớp dạy nghề sửa chữa xe máy do Trung tâm Dạy nghề huyện Trạm Tấu mở đầu năm 2010. Sau khi học xong tại Trung tâm, anh Viễn đi làm cho một số cửa hàng sửa chữa xe máy ở thị trấn để nâng cao tay nghề, sau đó mới về mở cửa hàng riêng ngay tại nhà để phục vụ nhân dân trong bản.

Không chỉ riêng lớp nghề sửa chữa xe máy, các học viên ở xã Hát Lừu tham gia các lớp nghề chăn nuôi - thú y, trồng trọt, chế biến nông sản, điện dân dụng, nghề may... đều áp dụng có hiệu quả các kiến thức đã được học vào quá trình phát triển kinh tế của gia đình, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.

Ông Lò Văn Pầng - Phó chủ tịch UBND xã Hát Lừu khẳng định: “Thông qua các lớp đào tạo nghề đã giúp cho nhiều lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn xã tiếp thu kiến thức KHKT áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Nhiều hộ gia đình đã xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người nông dân.

Trong những năm qua, công tác dạy nghề của huyện Trạm Tấu đã được Đảng và Nhà nước quan tâm, đặc biệt là đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi dưỡng cán bộ, giáo viên và kinh phí mở các lớp đào tạo trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên cho LĐNT của huyện. Sau hai năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT, huyện Trạm Tấu đã mở được 25 lớp đào  nghề cho trên 700 học viên với các nghề: trồng trọt, chế biến nông sản, chăn nuôi - thú y, sửa chữa xe máy, bảo vệ thực vật, điện dân dụng. Hiện nay, Trung tâm đang triển khai lớp học trồng nấm tại thôn Hát 1, xã Hát Lừu cho trên 30 học viên.

Bà Huỳnh Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện cho biết: “Qua khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT trên địa bàn, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch tuyển sinh dựa trên nhu cầu của người lao động. Các lớp đào tạo nghề được mở ngay tại các thôn, bản nên học viên đi lại rất thuận lợi, thời gian mở lớp thường được bố trí không trùng với thời điểm mùa vụ. Sau học nghề, nhiều lao động được hỗ trợ tìm việc làm, vay vốn đầu tư cho sản xuất nên học viên đăng ký tham gia học nghề chiếm tỷ lệ cao. Riêng với đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, các giáo viên chú trọng đến phương pháp cầm tay chỉ việc, tăng thời gian thực hành, giúp họ dễ tiếp thu kiến thức”.

Tuy nhiên, chất lượng LĐNT có trình độ và tay nghề còn thấp so với tỷ lệ lao động, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế tại địa phương. Để thu hút LĐNT tham gia học nghề, huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các đối tượng tích cực tham gia các lớp dạy nghề ngắn hạn được tổ chức trên địa bàn, uu tiên tổ chức các lớp đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số và mở các lớp học nghề lưu động ngay tại các thôn, bản, tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên.

Bên cạnh đó, hoạt động dạy nghề phải gắn với tạo việc làm, giới thiệu cho các học viên đã qua đào tạo nghề làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài huyện, đặc biệt là tham gia xuất khẩu lao động. Đồng thời tạo điều kiện cho các học viên sau học nghề được tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi để mở rộng sản xuất, kinh doanh, áp dụng KHKT vào sản xuất.

Hà Anh (Nguồn: Báo Yên Bái)