Tình quân dân trên địa bàn biên giới Tây Nguyên

03:28 AM 23/04/2012 |   Lượt xem: 2071 |   In bài viết | 

Nhưng được sự giúp đỡ của Nhà nước, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Quân đội trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ nhà ở, lương thực... giờ thì chưa dám nói cuộc sống của các gia đình đã giàu có, nhưng ổn định là điều dễ nhận thấy. Ông Bút cho biết, nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào quần chúng bảo vệ an ninh biên giới, Ðảng ủy, UBND xã đã quán triệt, chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp Bộ đội Biên phòng (BÐBP) để tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua hệ thống loa truyền thanh xã và các buổi họp thôn. Chương trình "Tám xóa" của Bộ Tư lệnh BÐBP là "diệt sạch" đói nghèo, tội phạm ma túy, dịch bệnh, hủ tục; xóa vượt biên, xâm nhập; xóa xâm canh, xâm cư, nhà tranh tre dột nát và tình trạng phá rừng cũng được hạn chế dần. Chủ tịch UBND xã Ia R’vê, Lê Hải chia sẻ, cuộc sống của người dân ở đây có được như ngày hôm nay cũng nhờ sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó thường xuyên và gần gũi nhất là các đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn. Các Trung đoàn 737, 739 (Binh đoàn 16) và Ðồn Biên phòng Ia R’vê (BÐBP Ðắk Lắk) không chỉ đóng vai trò "bà đỡ" cho người dân trong ổn định cuộc sống, mà còn trực tiếp tham gia cùng chính quyền địa phương đề ra các chủ trương, biện pháp phát triển kinh tế-xã hội ở vùng biên ngày càng vững mạnh. Những cánh rừng keo, tràm được phủ xanh ngút ngàn từ Ðồn Biên phòng Ia R’vê sang tận lâm phần Ya Lốp, Rừng Xanh... Dọc dài theo những cánh rừng ấy là những con đường ngang dọc mở ra, cùng với lưới điện thắp sáng được kéo về để phục vụ đời sống bà con. Từ năm 2009, diện tích trồng lúa của Ia R’vê đã được khai hoang, mở rộng lên tới 2.500 ha. Mặc dù chỉ làm được một vụ, nhưng sản lượng lúa ở đây không những đủ phục vụ nhu cầu lương thực tại chỗ cho hơn 5.500 nhân khẩu, mà còn được bán cho nhiều vùng khác, mỗi năm khoảng năm đến sáu nghìn tấn. Cây lúa của người dân vùng biên này đã trở thành hàng hóa chủ lực, từng bước mở đường cho nhiều hộ liên kết cùng nhau làm giàu...

Câu chuyện của Y Nuôk Byă, Trưởng buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Ðôn, mấy năm trước xin không nằm trong danh sách hộ nghèo khiến bà con trong buôn nhớ mãi. Chuyện là, trước đây khi còn công tác tại UBND xã, gia đình Y Nuôk nghèo thật, nhà cửa tạm bợ phải đi lấy lá dầu trong rừng về lợp; buổi tối phải đi đánh cá về bán lấy tiền mua gạo từng bữa. Hoàn cảnh ấy ai chẳng muốn được công nhận hộ nghèo để nhận hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng Y Nuôk thì cương quyết xin không phải hộ nghèo, không phải vì sĩ diện mà vì một suy nghĩ sẽ khiến nhiều người bảo ông là "gàn dở", đó là chỉ có thoát nghèo mới tuyên truyền vận động tốt nhân dân. Cán bộ mà nghèo thì vận động xóa đói, giảm nghèo không hiệu quả, bà con làm sao tin được. Còn việc mình nghèo thật thì có lao động là có tất cả, Nhà nước hỗ trợ cũng chỉ phần nào, quan trọng vẫn là sự nỗ lực của bản thân mình. Bằng lý lẽ như thế, Y Nuôk chăm lo làm việc, cuộc sống gia đình khá giả dần lên, ba đứa con của ông đều được đi học và có việc làm ổn định. Tính đến nay, Y Nuôk có thâm niên 10 năm làm Trưởng buôn, "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng", dù mức phụ cấp cho chức trưởng buôn chỉ có 340 nghìn đồng/tháng. Ðủ mọi vấn đề từ hòa giải chuyện vợ chồng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn, xích mích... Nhận thức của bà con còn những hạn chế nhất định, nên hòa giải càng vất vả, có khi phải đi lại năm lần bảy lượt mới "êm". Buôn Trí B là địa bàn giáp biên giới, nên trong các cuộc họp buôn, ông Y Nuôk không bao giờ quên nhiệm vụ tuyên truyền để bà con hiểu về Quy chế Biên giới và chấp hành nghiêm. Bây giờ bà con muốn đi thăm người thân định cư ở nước bạn đều đăng ký làm thủ tục đầy đủ, không như trước đây tự ý đi lại bằng đường rừng.

Ở buôn Trí A, xã Krông Na (Buôn Ðôn), người dân ví Trưởng buôn Y Thưng (Ama An) như "cán cân". Nghe Y Thưng giải thích, tuyên truyền, vận động, bà con bảo nghe sướng cái tai, thông cái đầu và ưng cái bụng lắm. Bí quyết của ông là giải thích mọi việc rất gần gũi và dễ hiểu. Người dân buôn Trí A trước đây chưa hiểu thực hiện Quy chế Biên giới phải làm gì, nên cứ "cãi chày cãi cối" với cán bộ là ra khỏi biên giới "chỉ đánh cá, săn bắt thôi thì có việc gì đâu". Ðể giải thích cho bà con hiểu, Y Thưng chỉ lấy thí dụ so sánh cụ thể như thế này: vườn nhà mình mà ai cũng tự do ra vào, thu hái thì làm sao chấp nhận được, biên giới của một quốc gia cũng vậy, do đó khi làm việc hoặc thăm hỏi ai có liên quan đến khu vực biên giới phải có đầy đủ giấy tờ. Nói vậy thôi mà ai cũng tâm phục, khẩu phục rồi nhất nhất chấp hành nghiêm chỉnh, bốn năm nay trong buôn không có người nào vi phạm Quy chế Biên giới. Còn trong công tác hòa giải, Y Thưng giải quyết công bằng, hợp lý, hợp tình nên rất được lòng người trong buôn. Gia đình Y Thưng cũng là tấm gương tiêu biểu, các con ông đều học hành đến nơi đến chốn và có công việc ổn định... Công sức ấy, việc làm ấy đều có sự giúp đỡ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị đóng quân trên địa bàn, nhất là BÐBP.

(Theo Nhandan.com.vn)