Ban Kinh tế Trung ương làm việc với Ủy ban Dân tộc về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc

08:31 AM 20/08/2014 |   Lượt xem: 1552 |   In bài viết | 

Tham dự Lễ ký kết có các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT: Nông Quốc Tuấn, Hà Hùng, Hoàng Xuân Lương, Sơn Phước Hoan, Phan Văn Hùng; các đồng chí Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương: Đinh Văn Cương, Nguyễn Ngọc Bảo, Lê Vĩnh Tân, Nguyễn Xuân Cường; Lãnh đạo các Vụ, đơn vị của hai cơ quan.

Tại buổi Lễ, đồng chí Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT đã báo cáo tình hình thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc của UBDT trong thời gian qua. Báo cáo khẳng định: Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT đã lãnh đạo việc thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của cơ quan Nhà nước về CSDT; các chính sách giảm nghèo toàn diện tiếp tục được thực hiện có hiệu quả; Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS lần thứ Nhất năm 2010; tăng cường thể chế về công tác dân tộc; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược về công tác dân tộc; chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả công tác dân tộc…

Nhờ thực hiện tốt công tác dân tộc, hiệu quả của các CSDT, tình hình KT-XH, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng núi đã có những bước chuyển quan trọng; quyền bình đẳng giữa các dân tộc đã cơ bản được xác lập và thể hiện trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đoàn kết giữa các dân tộc được củng cố, tăng cường; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh từ 22% năm 2005 xuống 9,45% năm 2010 (theo chuẩn cũ) và từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012 (theo chuẩn giai đoạn 2010-2015). Ở các xã, thôn, bản ĐBKK, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 47% năm 2006 xuống 28,8% năm 2010; tại 62 huyện nghèo (theo NQ30a), tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 58,33% xuống 43,89% năm 2012.

Đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo theo các nghị quyết của Quốc hội hằng năm và 5 năm cho thấy, giai đoạn 2005-2012, tỉ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 2,3 - 2,5%/năm.

Nội dung Báo cáo cũng nêu rõ việc đề xuất những vấn đề mà UBDT cần tiếp tục quan tâm giải quyết, như: cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ nhằm giải quyết việc phát triển giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS, xây dựng đội ngũ cán bộ là người DTTS; đẩy nhanh công tác xóa đói giảm nghèo; xây dựng chương trình tổng thể phát triển KT-XH vùng dân tộc và miền núi; tiếp tục thực hiện các chính sách đặc thù đang có hiệu quả như QĐ755/QĐ-TTg; QĐ33; QĐ29…; Xây dựng mô hình phát triển KT-XH tại Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; Xây dựng Luật Dân tộc; xây dựng chương trình phát triển KT-XH các xã biên giới…

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao bản báo cáo của UBDT, đồng thời nhấn mạnh: Vùng DTTS và miền núi tuy khó khăn nhưng cũng đứng trước những tiềm năng và thế mạnh về kinh tế - xã hội. Việc phối hợp công tác giữa hai cơ quan chính là khẳng định việc nghiên cứu các vấn đề xã hội trong vấn đề kinh tế và vấn đề kinh tế trong các mặt xã hội; rất nhiều vấn đề công tác dân tộc trong KT-XH, xóa đói giảm nghèo đều đã và đang được quan tâm.

Tại buổi Lễ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử bày tỏ niềm vinh dự và phấn khởi khi được làm việc và phối hợp với một Ban của Đảng. Bộ trưởng khẳng định, đây là một điểm mới giữa các Ban của Đảng với các Bộ, thể hiện sự quan tâm, nhất quán của cả hệ thống chính trị đến công tác dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử nhận định, việc phối hợp, hỗ trợ giữa hai cơ quan là một mối quan hệ không thể tách rời, đồng thời mong muốn Ban Kinh tế Trung ương ủng hộ, phối hợp cùng UBDT để thực hiện tốt những nhiệm vụ mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho.

Trước sự chứng kiến của các đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT và các đồng chí Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, đồng chí Giàng Seo Phử, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT và đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã ký kết Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan giai đoạn 2014 – 2020 với những nội dung cụ thể như: Nghiên cứu, đề xuất xây dựng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách dân tộc, chính sách đặc thù, các chương trình, dự án, đề án phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ giảm nghèo ở các xã, thôn, bản có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn vùng DTTS và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao; Các chính sách đầu tư, hỗ trợ ổn định cuộc sống cho đồng bào DTTS; Các chính sách, dự án hỗ trợ người dân ở các địa bàn đặc biệt khó khăn; Các chính sách, dự án bảo tồn và phát triển đối với các nhóm DTTS rất ít người; Tham gia ý kiến thẩm định các đề án, dự án lớn về công tác dân tộc trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; Sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội trong công tác dân tộc; Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế trong công tác dân tộc; phối hợp, trao đổi thông tin về tình hình thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các thông tin chuyên đề, kết quả nghiên cứu, khảo sát để xây dựng các chương trình, đề án các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, toạ đàm, diễn đàn về công tác dân tộc phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên.

Sơn Nam