Quốc hội thảo luận tại tổ về hai Dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) và Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi)

08:57 AM 31/10/2014 |   Lượt xem: 1911 |   In bài viết | 

 Đưa khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vào cân đối ngân sách nhà nước

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) các đại biểu Quốc hội tập trung vào các vấn đề phạm vi thu, chi, bội chi ngân sách Nhà nước, phân cấp quản lý Nhà nước giữa Trung ương và địa phương, thẩm quyền quyết định ngân sách Nhà nước, kế hoạch tài chính trung và dài hạn, quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, cung cấp thông tin, kỷ luật tài chính và công khai minh bạch tài chính. Một số đại biểu cho rằng, Dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) đổi mới không đáng kể so với luật hiện hành. Dự luật cần sửa đổi theo hướng nâng cao hơn nữa thực quyền của Quốc hội trong việc quyết định ngân sách để việc điều hành ngân sách của Chính phủ cũng thuận lợi hơn, tránh tình trạng cứ đến kỳ họp cuối năm Quốc hội lại thông qua quyết toán ngân sách, tức là thông qua việc đã rồi không thể quyết khác vì tiền đã được chi. 

Theo đại biểu Trần Thị Quyết Tâm (TP. Hồ Chí Minh), việc quyết định phân bổ ngân sách hàng năm cần được thông qua 2 bước, tức là tại 2 kỳ họp Quốc hội để đảm bảo thực quyền của Quốc hội, cân đối ngân sách và giảm được hiện tượng xin cho. Việc phân bổ ngân sách cho các địa phương cần căn cứ theo khả năng trả nợ của mỗi địa phương để tránh bội chi.

Nhiều đại biểu cũng cho rằng, những quy định trong dự thảo luật chưa phân rõ quyền hạn, trách nhiệm của chính quyền địa phương nên sẽ không khắc phục được tình trạng chồng chéo, cấp nào cũng quyết định ngân sách như hiện nay.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo luật cần tiếp tục đổi mới về quy trình thiết lập ngân sách, phân bổ ngân sách, kiểm soát tuân thủ thực thi ngân sách để đảm bảo kỷ cương.

“Tôi không thấy ở đâu sử dụng ngân sách tùy tiện như nước mình. Có lần chúng tôi đi thăm một nước vào cuối tháng 12, họ không mời được cơm vì ngân sách chưa có, còn nước ta thì ăn nhậu vô tội vạ, thậm chí quyết toán được hết. Tại sao như vậy, trong khi nợ công tăng nhanh và ngân sách Nhà nước đang bội chi. Chúng ta vẫn còn tồn tại cơ chế lồng ghép. Trên cơ sở Hiến pháp chúng ta đã tách được một phần nhưng cơ bản ngân sách vẫn còn lồng ghép. Tôi cho rằng dựa trên Hiên pháp, chúng ta vẫn có thể tách bớt sự lồng ghép này để tăng trách nhiệm của các cấp chính quyền về ngân ngân sách một cách minh bạch” - đại biểu Trần Du Lịch bày tỏ.

Cho ý kiến về Dự phòng ngân sách nhà nước, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cho rằng không nên quy định luật ngân sách nhà nước cho một số bộ, ngành, Trung ương tại điều 1 và Điều 10 được giữ lại 5% dự toán chi thường xuyên bởi trong điều kiện ngân sách còn eo hẹp thì quy định này sẽ dẫn tới ngân sách bị phân tán và lãng phí.

“Bội chi ngân sách nhà nước cần phải làm rõ bội chi ngân sách Trung ương và bội chi ngân sách địa phương bởi trong dự luật đưa ra ngân sách địa phương không được phép bội chi nhưng lại cho phép ngân sách cấp tỉnh được vay, huy động vốn trong nước để đầu tư, do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần xem lại” - đại biểu Phạm Huy Hùng kiến nghị.

Thảo luận về phạm vi thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xổ số kiến thiết, tiền sử dụng đất (Điều 36), đa số đại biểu Quốc hội nhất trí đưa khoản thu từ hoạt động xổ số kiến thiết vào cân đối NSNN và bổ sung quy định nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết và tiền sử dụng đất không sử dụng để tính tỷ lệ điều tiết giữa ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP), tính số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP.

Bên cạnh đó cũng có một số đại biểu cho rằng, về nguyên tắc, tất cả các nguồn thu đều tập trung vào cân đối NSNN và phải được cân đối chung trong quỹ ngân sách nhà nước, không thể quy định khoản thu này chỉ chi cho mục chi cụ thể là không hợp lý. Mặt khác, việc thu tiền sử dụng đất thời gian qua cũng đã tạo ra những hệ lụy phức tạp cho xã hội, do vậy không nên khuyến khích các địa phương chú trọng quá mức vào nguồn thu này. Đồng thời, rất khó phân biệt rõ ràng số tiền thu được từ đất và từ hoạt động xổ số kiến thiết được sử dụng để đầu tư hay chi thường xuyên. Do vậy, trong sửa đổi Luật NSNN lần này, đề nghị chỉ quy định tổng số chi đầu tư phát triển phải lớn hơn bội chi NSNN, không quy định về tiền sử dụng đất và thu từ hoạt động xổ số kiến thiết.

Nâng cao giá trị pháp lý của kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Cũng trong chiều nay, thảo luận về Dự án Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi), đa số các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình về sự cần thiết sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) một cách đồng bộ, toàn diện cho phù hợp với quy định của Hiến pháp và vai trò của KTNN trong tình hình mới. Đồng thời, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ thêm một số quy định trong dự thảo Luật, tập trung vào các quy định về đối tượng kiểm toán, đơn vị kiểm toán, quyền và nghĩa vụ của KTNN, nhiệm kỳ và quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước; xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động KTNN.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc kiểm toán cần tập trung vào các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối. Trước khi Quốc hội thông qua báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước thì tất cả 63 tỉnh thành và các bộ ngành sử dụng ngân sách Nhà nước phải được kiểm toán để tránh tình trạng báo cáo quyết toán ngân sách đã được thông qua nhưng sau đó lại phát hiện đơn vị vi phạm trong sử dụng ngân sách.

Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng, hiện nay, kết luận của kiểm toán vẫn chỉ là những kiến nghị thôi, chưa có giá trị hành chính và pháp lý để xử lý đơn vị vi phạm. Do đó, đại biểu đề nghị, cần nâng cấp giá trị báo cáo, kết luận của KTNN lên một mức cao hơn để các đơn vị được kiểm toán phải thực hiện. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường trách nhiệm, trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức của cán bộ kiểm toán.

Chung quan điểm này, đại biểu Lò Văn Muôn (Điện Biên) phân tích, thời gian qua KTNN đã có nhiều đóng góp, kết quả kiểm toán là căn cứ để đánh giá sử dụng việc sử dụng NSNN cũng như hoạch định chính sách, dự toán hàng năm. Tuy nhiên, kết luận, kiến nghị của KTNN chỉ là văn bản kiến nghị, chưa được quy định về tính pháp lý.Theo đại biểu, kết luận, kiến nghị của KTNN phải được ban hành dưới dạng văn bản như một quyết định hành chính để đơn vị được kiểm toán có căn cứ để thực hiện.

Đại biểu Huỳnh Phước Lộc (TP. Hồ Chí Minh), cho rằng, dự thảo Luật cần có điều khoản chế tài cụ thể để nâng cao giá trị pháp lý của kết luận kiểm toán, tránh tình trạng cùng một vấn đề kiểm toán nhưng kiểm toán năm sau lại đưa ra những kết luận khác với năm trước, gây ra hoang mang, xáo trộn cho hoạt động điều hành, quản lý của đơn vị được kiểm toán.

Đối với quy định về giá trị của báo cáo kiểm toán, đại biểu Đinh Huy Chiến (Thái Nguyên), đại biểu Nguyễn Văn Nhung (TP. Hồ Chí Minh) và một số đại biểu khác đề nghị, dự thảo Luật cần quy định cụ thể giá trị của từng loại kiểm toán cho phù hợp yêu cầu và tính chất của từng loại báo cáo kiểm toán.

Nêu lên thực trạng quản lý thuế ở trong các đơn vị, doanh nghiệp còn lỏng lẻo, thất thu thuế lớn, đại biểu Khúc Thị Duyền (Thái Bình) và một số đại biểu bày tỏ sự đồng tình với quy định KTNN kiểm toán việc thực hiện nộp NSNN “Nếu chỉ kiểm toán ở các đơn vị quản lý về thu thuế và đối chiếu thì quản lý không chặt. Để tránh thất thu thuế thì Luật KTNN lần này phải đưa vào kiểm toán cả ở những đơn vị đóng thuế với nhà nước” - Đại biểu Duyền nói.

Theo chương trình, ngày mai (30/10), Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Phiên họp được truyền hình trực tiếp./.

Đỗ Thoa (Nguồn: CPV)