Cộng đồng ASEAN – dấu ấn lớn mạnh và trưởng thành của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
02:10 PM 15/01/2016 | Lượt xem: 2984 In bài viết |Đúng vào thời điểm cả thế giới đón chào năm mới 2016, ngày 31-12-2015, các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng hân hoan với sự kiện ra đời Cộng đồng ASEAN – Cộng đồng của hơn 630 triệu người dân với các nền kinh tế năng động, có tổng GDP đạt 2.600 tỉ đô la Mỹ, có văn hóa giàu truyền thống, đa bản sắc.
Khi đại diện mười quốc gia thành
viên ASEAN đặt bút ký Tuyên bố chính thức về thành lập Cộng đồng ASEAN, Thủ
tướng Malaysia Najib Razak đã xúc động tuyên bố: "Đây là ngày mà tất cả chúng ta
đã chờ đợi, ngày mà chúng ta có thể tự hào”. Sự kiện này đã đánh dấu những nỗ
lực không ngừng trong quá trình hợp tác, mở rộng và phát triển của ASEAN kể từ
khi thành lập năm 1967 đến nay.
Vượt qua những thăng trầm và khác biệt, Cộng đồng ASEAN 2015 ngày nay là ngôi
nhà chung của đại gia đình các quốc gia Đông Nam Á. Sau gần 50 năm phát triển
vì mục tiêu hòa bình, thịnh vượng của các quốc gia khu vực, ASEAN đã trưởng
thành và lớn mạnh, đạt nhiều thành quả to lớn và đang đẩy mạnh sự liên kết sâu
rộng trên cả ba trụ cột gồm: Chính trị-An ninh, Kinh tế, Văn hóa-Xã hội. Ba trụ
cột này được thể hiện bằng ba chữ P: Hòa bình (Peace), Thịnh vượng (Prosperity)
và Con người (People).
Cộng đồng Chính trị-An ninh đóng vai trò đặc biệt quan trọng, giúp đảm bảo cho
khu vực một môi trường hòa bình, ổn định, không có chiến tranh để tập trung phát
triển kinh tế. Và sự phát triển kinh tế cũng tạo điều kiện để an ninh được đảm
bảo. Với đặc trưng là nền kinh tế trẻ và năng động nhất thế giới, Cộng đồng Kinh
tế ASEAN sẽ tạo ra một thị trường và cơ sở sản xuất chung, khuyến khích chuyển
dịch lao động, vốn và thương mại.
Về Văn hóa-Xã hội, Cộng đồng ASEAN lấy con người làm trung tâm, hay nói cách
khác, mục tiêu xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân. Trong quá trình hội
nhập, các nước thành viên sẽ nỗ lực đồng bộ hóa chính sách, đặc biệt trong các
lĩnh vực như: Phát triển nguồn nhân lực, xác định hệ thống tiêu chuẩn hành nghề,
tăng cường sự kết nối về cơ sở hạ tầng và thông tin liên lạc. Nhờ quá trình xây
dựng cộng đồng chung, người dân ASEAN sẽ được sống trong môi trường chính sách
lành mạnh, kinh tế năng động, tự do và văn hóa - xã hội tiến bộ.
Vượt qua những thách thức của quá trình phát triển, ASEAN đã mang lại những lợi
ích quan trọng, thiết thực cho các nước thành viên và khẳng định mạnh mẽ giá trị
của tình đoàn kết, nguyên tắc đồng thuận, thống nhất của Cộng đồng. Vai trò
trung tâm của ASEAN ở khu vực, nhất là cấu trúc về an ninh, đã nhận được sự tham
gia hợp tác, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là các Đối tác Đối thoại của
ASEAN, bao gồm cả những cường quốc hàng đầu trên thế giới.
Cộng đồng ASEAN mới chỉ là một dấu mốc quan trọng của một chặng đường kéo dài
nhiều thập kỷ chứ chưa phải là thành quả cuối cùng. Nói cách khác, sự ra mắt của
Cộng đồng ASEAN vào ngày 31-12 chính là điểm khởi đầu cho một chặng đường mới.
ASEAN cần hoàn tất các biện pháp xây dựng cộng đồng.
Trong bài phát biểu chào mừng sự kiện lịch sử này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn
Dũng đã bày tỏ tin tưởng rằng, Cộng đồng ASEAN sẽ ngày càng phát triển vững mạnh,
mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người dân và các quốc gia thành viên, đóng vai
trò ngày càng quan trọng đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
Theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, có nhiều biện pháp cần phải tiếp tục thực
hiện. Ngoài ra, cũng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoàn
thiện cộng đồng và đây sẽ là ưu tiên của Cộng đồng ASEAN trong 10 năm tới. Trước
mắt, ASEAN sẽ ưu tiên triển khai thực hiện cơ chế thẻ du lịch doanh nhân ASEAN,
đồng thời tăng cường các chương trình liên kết đào tạo, cho phép sinh viên ASEAN
thực tập tại các doanh nghiệp trong khu vực. Vừa qua, cơ chế thúc đẩy tăng
trưởng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ASEAN đã được thành lập nhằm hỗ trợ tài
chính cho nhóm doanh nghiệp này. Đây là các ví dụ thực tế cho thấy ASEAN đang nỗ
lực đưa đến những thay đổi thực sự cho những thành phần “xương sống” của nền
kinh tế khu vực.
Trong 20 năm đồng hành cùng ASEAN, với phương châm tham gia “Chủ động, tích cực
và có trách nhiệm”, Việt Nam nghiêm túc hoàn thành các cam kết và nghĩa vụ của
một thành viên, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển và lớn mạnh của
ASEAN được các nước trong và ngoài khu vực ghi nhận, đánh giá cao. Đồng thời,
những thành tựu to lớn trong công cuộc Đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và
vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao cũng là những đóng góp quan
trọng cho sự vững mạnh và nâng tầm vị thế của ASEAN./.