Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh dự phiên họp thường kỳ Quý III năm 2021 của Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách Xã hội

02:41 PM 14/10/2021 |   Lượt xem: 3218 |   In bài viết | 

Ủy viên BCH TW Đảng, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng chủ trì phiên họp

Theo đánh giá tại phiên họp, 9 tháng đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai nhiệm vụ của NHCSXH. Công tác phòng, chống dịch được triển khai chi tiết, đảm bảo nguyên tắc: cập nhật đầy đủ, chính xác các biện pháp phòng chống dịch; duy trì hoạt động không ngưng trệ, công tác hỗ trợ hộ nghèo và đối tượng chính sách vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 được bảo đảm.

Đến hết ngày 30/9/2021, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 254.356 tỷ đồng, tăng 20.811 tỷ đồng; tổng dư nợ đạt 242.292 tỷ đồng, tăng 16.095 tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2020. Trong tổng số hơn 6,4 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, 9 tháng đầu năm đã có trên 1,5 triệu đối tượng được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 337 nghìn lao động; giúp gần 16,7 nghìn lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng trên 1,1 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh nông thôn; xây dựng 5,2 nghìn nhà ở cho hộ nghèo, nhà tránh lũ và nhà ở xã hội...

Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả với 10.436 điểm giao dịch xã, trên 170 nghìn Tổ tiết kiệm vay vốn. Đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh phát biểu ý kiến tại phiên họp

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cám ơn NHCSXH đã tín nhiệm, tiến cử với Thủ tướng Chính phủ để được bổ sung vào HĐQT. Đây cũng là tính chất đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc. Đồng tình với các đánh giá 9 tháng đầu năm của NHCSXH và các nhóm giải pháp để triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã trao đổi về một số nội dung liên quan đến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN). Theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương xây dựng Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG. Đây là văn bản pháp lý có tính chất quan trọng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm đề nghị Ngân hàng Nhà nước và NHCSXH quan tâm, ưu tiên triển khai nhiệm vụ này. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn tín dụng để triển khai thực hiện Chương trình MTQG.

Giai đoạn 2021-2025 sẽ có rất nhiều khó khăn để triển khai mục tiêu phát triển đồng đều giữa các khu vực, vùng DTTS&MN theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và sự quyết tâm của Chính phủ. Cùng nhiệm vụ triển khai 3 chương trình MTQG với các nguồn vốn tín dụng khác nhau, đòi hỏi cần nâng cao chất lượng sử dụng nguồn vốn này. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đề nghị cần triển khai đồng bộ một số giải pháp trọng tâm như: Tuyên truyền về ý nghĩa của vốn tín dụng chính sách để nâng cao nhận thức cho người dân; hỗ trợ, tư vấn cho bà con sử dụng hiệu quả vốn vay với nhiều mô hình như: tổ tư vấn, liên kết theo ngành nghề...

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: 9 tháng đầu năm, dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội, đặc biệt đối với doanh nghiệp và người dân. Trong bối cảnh đó, các hoạt động của NHCSXH vẫn tiếp tục được duy trì, phát huy hiệu quả, đóng góp vào các giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là người nghèo, người lao động bị ngừng việc. Một số kết quả rất đáng ghi nhận như: Tổng nguồn vốn của NHCSXH, nguồn vốn ủy thác qua các địa phương được gia tăng; tổng dư nợ tăng 7,1%, tương đồng với mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống ngân hàng; chất lượng tín dụng được nâng cao, tỷ lệ nợ xấu thấp...

Giải pháp triển khai 3 tháng cuối năm 2021, Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng đề nghị NHCSXH tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW và Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư nhằm triển khai hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội; Tham mưu, phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2021-2030; Chuẩn bị tổng kết 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2020; đặc biệt là chuẩn bị các cơ sở pháp lý và nguồn lực để triển khai chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG... Trong đó, cần có sự đánh giá, dự báo khả năng rủi ro tiềm ẩn của dịch Covid-19 khi có sự dịch chuyển của người dân, sự gia tăng đối tượng cần hỗ trợ. Từ đó, cần có những giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, tạo sự đồng thuận của chính quyền địa phương trong tham gia vào hoạt động tín dụng cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Việt Cường