Quốc hội thảo luận về Dự án Luật nghĩa vụ quân sự và Dự án Luật an toàn vệ sinh lao động

09:05 AM 13/11/2014 |   Lượt xem: 1799 |   In bài viết | 

 Nghĩa vụ quân sự thay thế?
 
Ngoài việc đồng tình với việc sửa đổi Luật nghĩa vụ quân sự, vấn đề được các đại biểu Quốc hội tập trung thỏa luận là thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ quân sự thay thế...
 
Sau khi phân tích những yếu tố “đặc thù” và để việc huấn luyện đạt hiệu quả, đa số các đại biểu đồng tình việc kéo dài thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng và kéo dài độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự lên 27 tuổi. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc tăng hay giảm thời gian phục vụ đều cần tính toán kỹ. Thời bình, nhu cầu quân thường trực không quá cao, vì vậy nên giữ nguyên thời hạn tại ngũ như hiện nay, nhưng trong một số trường hợp nhất định, ở những vùng đặc biệt, có vị trí chiến lược, thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự có thể linh hoạt kéo dài lên đến 30 tháng, tùy theo yêu cầu.
 
Xác định nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của toàn dân, các đại biểu đề nghị Dự án Luật nên có hình thức nghĩa vụ thay thế với những người không có điều kiện thực hiện nghĩa vụ quân sự để đảm bảo sự công bằng, bình đẳng.
 
Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo (Hà Nội), thực tế chỉ có 6% số người trong độ tuổi quy định được thực hiện nghĩa vụ quân sự, vậy số còn lại, những người có trách nhiệm phải thực hiện nghĩa vụ quân sự thì cần phải có hình thức thực hiện thay thế. Nếu chúng ta thực hiện việc nâng độ tuổi gọi nhập ngũ lên 27 tuổi, tỷ lệ được thực hiện nghĩa vụ quân sự còn giảm nữa.
 
“Trừ những đối tượng được miễn, mọi người trong độ tuổi quy định đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chúng ta có thể có hình thức thay thế bằng đi dạy học, khám chữa bệnh ở đảo xa; đi lao động công ích, đóng tiền… Nguồn thu này sẽ được dùng để đầu tư lại xây dựng quân đội. Như vậy là công bằng, đúng tinh thần Hiến pháp”, đại biểu Đinh Xuân Thảo đề nghị.
 
Đồng tình với đa số các quy định trong Dự án Luật, nhưng đại biểu Ngô Ngọc Bình (Thành phố Hồ Chí Minh) lo ngại chưa có quy định ràng buộc với những người đến độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, nhưng đang đi học ở nước ngoài và sẽ trở về nước. “Các nước, thanh niên đi học ở nước ngoài có ràng buộc bằng hình thức đóng tiền, khi về thực hiện nghĩa vụ sẽ được trả lại tiền đó” - đại biểu Ngô Ngọc Bình nêu vấn đề.

 
Ủng hộ việc cần có quy định nghĩa vụ quân sự thay thế, đại biểu Chu Sơn (Hà Nội) không ủng hộ việc thay thế bằng hình thức đóng tiền, nhưng có thể áp dụng các hình thức thay thế khác và để công dân có các tác phong, kỹ năng quân đội, Nhà nước có thể rèn luyện cho họ hàng năm tại địa phương theo chế độ dân quân tự vệ.
 
Cần có quy định bảo vệ người người lao động tự do 
 
Thảo luận Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động, các đại biểu khẳng định sự cần thiết phải ban hành Luật, vì vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu việc làm bền vững, đồng thời, thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân và Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.
 
Vấn đề được nhiều đại biểu quan ngại là quan hệ lao động và không có quan hệ lao động (lao động tự do). Theo đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên), tai nạn lao động đối với những người không có quan hệ lao động ngày càng nhiều, cho nên phải có quy định để bảo vệ họ.
 
Chia sẻ với quan điểm này, đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cho biết, thực tế hiện nay có hơn 60% người lao động đang làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động. Để đảm bảo tính khả thi, cần xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích người lao động ở khu vực này áp dụng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh lao động, đặc biệt là người lao động làm việc trong các lĩnh vực có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc những lĩnh vực có ảnh hưởng tới sức khỏe, an toàn của cộng đồng.
 
Liên quan đến quy định về thanh tra chuyên ngành an toàn vệ sinh lao động, đại biểu Phạm Thị Thu Hồng (Bình Định) đề nghị chỉ quy định ở cấp Bộ và cấp tỉnh như Luật Thanh tra. “Việc phân cấp thẩm quyền thanh tra cho cấp huyện trong Dự án Luật chưa phù hợp với Luật Thanh tra. Nếu thành lập thanh tra chuyên ngành ở cấp huyện trực thuộc phòng Lao động, Thương binh và Xã hội có từ 1 -2 người sẽ làm tăng khoảng 1.000 biên chế trong điều kiện tinh giản biên chế như hiện nay. Đội ngũ thanh tra cấp huyện chỉ có 1-2 người sẽ không bảo đảm được việc thanh kiểm tra lao động và thiết bị an toàn vệ sinh lao động” - đại biểu Phạm Thị Thu Hồng phân tích.

Đăng Dương (Nguồn: CPV)