Góp ý kiến dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Cần có quy định điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi

03:05 AM 09/02/2015 |   Lượt xem: 1777 |   In bài viết | 

* Khi nào hợp đồng có hiệu lực

Thời điểm hợp đồng có hiệu lực pháp luật là nội dung được quan tâm. Điều 411 dự thảo Bộ luật quy định: “Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp luật có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.”

Công chứng viên Nguyễn Thanh Tú, Trưởng Văn phòng công chứng Nguyễn Tú (Hà Nội) cho rằng, không nên quy định hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm đăng ký. Ông Tú nói: “Khi các bên giao kết hợp đồng đã thể hiện ý chí của họ rồi. Ví dụ, tôi cho anh cái xe máy kèm theo cả giấy tờ sở hữu thì cho xong tôi không thể đòi lại chỉ vì lý do anh chưa đăng ký. Ở đây, đăng ký chỉ mang tính quản lý nhà nước”. Ông Tú đề xuất hợp đồng có hiệu lực ngay sau khi ký kết.
Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội Trần Thị Huệ phân tích hợp đồng tặng - cho có đặc thù khác với các loại hợp đồng khác ở chỗ hợp đồng tặng - cho không có tính đền bù. Vì vậy, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng tặng - cho hoàn toàn khác với các loại hợp đồng có tính đền bù.

Theo bà Huệ, hành vi chuyển giao tài sản là hành vi không bắt buộc khi hợp đồng chưa có hiệu lực pháp luật. Nội dung này hoàn toàn khác với hợp đồng có tính ưng thuận có nghĩa là có hiệu lực pháp luật từ thời điểm các bên đã cam kết. Như vậy, hành vi chuyển giao tài sản là hành vi buộc phải thực hiện bởi vì hợp đồng đã có hiệu lực từ thời điểm giao kết. Vì vậy, theo bà Huệ, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm đã chuyển giao tài sản cho bên nhận tặng - cho. Nếu hợp đồng tặng - cho đối tượng là động sản hay bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu, sẽ có hiệu lực từ thời điểm đăng ký.

Đại diện Ban Pháp chế, Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị cũng chỉ ra một thực tế khi mua nhà, khách hàng chỉ cần hoàn tất các thủ tục thanh toán, chủ đầu tư bàn giao nhà xong là người mua có quyền sở hữu và họ có quyền được bán và thực hiện các giao dịch đối với tài sản này dù chưa có sổ đỏ. Từ thực tế này cần xem xét lại quy định về thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với nhà cho phù hợp với Luật Nhà ở. Cũng có ý kiến lo ngại nếu quy định hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu dễ dẫn đến tình trạng bội ước vì thời điểm từ khi ký kết hợp đồng đến khi đăng ký có thể kéo dài cả năm. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc để có quy định cụ thể, đảm bảo tính khả thi và tránh những tranh chấp có thể phát sinh.

* Hợp đồng được điểu chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi

Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế - Bộ Tư pháp Dương Đăng Huệ nhấn mạnh tới một trong những điểm mới của dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đó là hợp đồng có thể bị điều chỉnh khi hoàn cảnh thay đổi. Cụ thể, Điều 440 dự thảo Bộ luật quy định: “ Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi dẫn đến quyền, lợi ích của một trong các bên bị ảnh hưởng nghiêm trọng thì cho phép các bên điều chỉnh hợp đồng. Hoàn cảnh thay đổi dẫn tới điều chỉnh hợp đồng được xác lập khi xảy ra các sự kiện làm thay đổi cơ bản sự cân bằng giữa lợi ích của các bên và bảo đảm các điều kiện sau đây: Hoàn cảnh thay đổi sau khi hợp đồng đã được giao kết; việc hoàn cảnh thay đổi là không thể lường trước được một cách hợp lý vào thời điểm giao kết hợp đồng; rủi ro phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh không phải là rủi ro mà bên bị ảnh hưởng đáng phải gánh chịu. Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận trong một khoảng thời gian hợp lý, tòa án có thể: Chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo những điều khoản do tòa án quyết định; Điều chỉnh hợp đồng để phân chia cho các bên các thiệt hại và lợi ích phát sinh từ việc thay đổi hoàn cảnh một cách công bằng và bình đẳng. Tùy theo từng trường hợp, tòa án có thể buộc bên từ chối đàm phán hoặc phá vỡ đàm phán một cách không thiện chí, không trung thực, phải bồi thường thiệt hại.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Hằng, Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại thương ủng hộ quy định mới này của dự thảo. Tiến sỹ Hằng phân tích, trên thực tế có rất nhiều trường hợp muốn thay đổi hợp đồng nhưng lại không thể quy về bất khả kháng, gây thiệt hại cho các bên. Theo Tiến sỹ, việc dự thảo Bộ luật cho phép một bên gặp khó khăn có quyền yêu cầu thiết lập lại, sửa đổi hay hủy bỏ hợp đồng sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân. Bộ luật Dân sự cũng cần ghi nhận nguyên tắc thiện chí để nếu một bên giao dịch không có thiện chí tức là bên đó đã vi phạm nguyên tắc này của Bộ luật Dân sự - Tiến sỹ Nguyễn Minh Hằng đề nghị.

Đồng quan điểm này, GS. TS Lê Hồng Hạnh cho rằng nên có quy định này nhưng ông nhấn mạnh tới việc phải dựa trên nguyên lý cơ bản là tôn trọng ý chí của các bên. Theo GS. TS Lê Hồng Hạnh, dự thảo phải có những quy định cụ thể về hoàn cảnh như thế nào thì được thay đổi hợp đồng.

Nhiều ý kiến cũng đồng tình việc cho phép Tòa án điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi không vi phạm nguyên tắc tự do ý chí, tự do định đoạt của các chủ thể quan hệ hợp đồng. Theo yêu cầu của nguyên tắc này thì để bảo đảm cân bằng lợi ích của các bên trong hợp đồng, sự ổn định của các quan hệ dân sự, thương mại có liên quan, cần cho phép Tòa án có thể điều chỉnh hợp đồng theo các điều kiện chặt chẽ được quy định trong Bộ luật Dân sự. Việc cho phép Tòa án điều chỉnh hợp đồng sẽ thúc đẩy các hợp đồng được thực hiện trong thực tiễn, đẩy mạnh giao lưu dân sự. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đề nghị không quy định như dự thảo Bộ luật vì quy định như vậy là không phù hợp với bản chất của hợp đồng là sự tự do ý chí, tự do thỏa thuận. Các cơ quan nhà nước, trong đó có Tòa án không được và không nên can thiệp vào sự tự do của các bên khi tham gia các giao dịch dân sự nói chung và hợp đồng nói riêng./.

Quỳnh Hoa/TTXVN