Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến chủ trì Hội nghị Giao ban công tác dân tộc Tây Nam bộ

11:13 PM 18/07/2018 |   Lượt xem: 2352 |   In bài viết | 

Toàn cảnh Hội nghị

Trong 6 tháng đầu năm, Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố trên địa bàn khu vực Tây Nam bộ đã tích cực, chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh, thành triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc (CTDT). Đặc biệt là việc xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới.

Chương trình 135 về Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu và thôn bản đặc biệt khó khăn (dự án 2 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020) được triển khai đồng bộ trên địa bàn Tây Nam bộ. Toàn khu vực có 109 xã thuộc diện đầu tư của Chương trình (95 xã khu vực III, 14 xã biên giới), với tổng kinh phí phân bổ năm 2018 trên 270 tỷ đồng (trong đó: hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên 194 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất trên 52 tỷ đồng; duy tu bảo dưỡng 11,31 tỷ đồng; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ sơ sở 11,22 tỷ đồng).

Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai 9/9 tỉnh, thành phố trong khu vực... Tuy nhiên, do các nguồn vốn không được cấp đồng bộ (vốn đầu tư, vốn sự nghiệp, vốn vay) nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, mới có 04 tỉnh (Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Hậu Giang) được phân bổ với vốn cho vay là 50 tỷ đồng...

Các đồng chí Lãnh đạo đồng chủ trì Hội nghị

Tại hội nghị, Ban Dân tộc các tỉnh, thành đã phân tích về các chính sách cho vùng DTTS, hiện còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với địa phương.... đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và có những đề xuất, kiến nghị về các vấn đề như: cơ chế, chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, tuyên truyền chính sách pháp luật đến đồng bào góp phần nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cả về vật chất lẫn tinh thần, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn. Các địa phương đề nghị Trung ương sớm phân bổ nguồn vốn để hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các chương trình, chính sách có liên quan đến đồng bào DTTS, trong đó có Quyết định 2085/QĐ-TTg, Quyết định 1163/QĐ-TTg, Quyết định 1898/QĐ-TTg... Riêng tỉnh Trà Vinh kiến nghị UBDT về chủ trương tiếp tục sử dụng nguồn vốn tồn đọng thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2014-2016 của tỉnh là 4,7 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến biểu dương các địa phương trong khu vực Tây Nam bộ đã quan tâm tới đồng bào dân tộc, làm tốt chính sách dân tộc với nhiều hoạt động thúc đẩy an sinh xã hội, nâng dần mức sống người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn. Thời gian tới, UBDT sẽ tiếp tục chỉ đạo Vụ Địa phương III thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm về công tác dân tộc trên địa bàn Tây Nam bộ. Trong đó có nhiệm vụ quan trọng là xây dựng Đề án tiếp nhận nhiệm vụ công tác dân tộc sau khi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kết thúc hoạt động.

UBDT cũng sẽ tiếp tục thực hiện các Chương trình phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, xây dựng đề án tổng thể chính sách ưu đãi nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc Khmer; đào tạo bồi dưỡng cán bộ DTTS vùng đồng bằng sông Cửu Long, quan tâm đến công tác cán bộ trong đồng bào dân tộc; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng dân tộc và đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật, đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống của bà con Khmer ngày càng hiệu quả hơn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến cũng lưu ý các địa phương quan tâm rà soát, xác định đối tượng và nhu cầu thụ hưởng chính sách được tỉnh, thành phố phê duyệt, gồm các nội dung: Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ nước sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất. Cần rà soát lực lượng lao động là DTTS xa quê đi làm công nhân tại các khu công nghiệp, mặc dù giải quyết được vấn đề việc làm, nhưng về sau có nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến phong tục tập quán, điều kiện học hành của con cái... Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, các nhà chùa, di tích lịch sử, nhà hoả táng, các trường dân tộc nội trú và cơ sở sinh hoạt cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc...  Bên cạnh đó, trên tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, yêu cầu các địa phương nghiên cứu cùng UBDT xây dựng đề án, dự án phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Khmer trong thời gian tới, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Hạnh Nguyên