Hiệu quả từ những chính sách giúp đồng bào dân tộc Khmer ở An Giang

10:28 AM 03/11/2010 |   Lượt xem: 2499 |   In bài viết | 

Cụ thể hoá Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 23/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã quán triệt một cách sâu rộng đến các ngành, các cấp, các đoàn thể, hệ thống Mặt trận Tổ quốc, cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân, các vị chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, nên đã tạo sự đồng thuận về tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Riêng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn An Giang đã cơ bản nắm vững những chính sách và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước để nâng cao đời sống kinh tế, dân trí.

Chương trình 135 của Thủ tướng Chính phủ ra đời chính là cánh tay nối liền, đã giúp đời sống bà con dân tộc Khmer khó khăn trên địa bàn tiếp cận được những hỗ trợ thiết thực từ phía Đảng, Nhà nước. Tính từ năm 1999 đến đầu năm 2010, An Giang được đầu tư từ Chương trình 135 tổng cộng 163 tỷ đồng với 305 công trình giao thông, điện, hệ thống cấp nước, chợ, trường học, trạm y tế và các công trình khác. Đồng hành cùng các chính sách trên là các Đề án 881 của Uỷ ban nhân dân tỉnh hỗ trợ 1.432 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, tổng số vốn lên đến 40 tỷ đồng; Đề án 25 giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đến nay đã đầu tư trên 111 tỷ đồng. Đặc biệt, còn đẩy mạnh đầu tư, giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ đời sống, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc Khmer nghèo tại hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên với kinh phí 14 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn chủ động đầu tư, hỗ trợ hàng loạt chính sách khác dành riêng cho đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn như vay vốn ưu đãi; thực hiện chính sách định canh, định cư; đầu tư, nâng cấp các nhà hỏa táng, chùa Khmer các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên Châu Thành, Thoại Sơn. Đồng chí Võ Thanh Liêm, Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang khẳng định: “Việc thực hiện các chương trình hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn An Giang đã đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc. Các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đã góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại, học hành, trị bệnh, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần, mở rộng giao lưu mua bán giữa các vùng. Nhiều hộ dân tộc Khmer nghèo đã có nhà ở ổn định, họ đã vững tin để tập trung toàn lực cho việc chăn nuôi, tăng gia sản xuất, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ về kinh tế và xã hội cho đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh còn chăm lo để toàn thể con em đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn được học văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện An Giang đã có Trường phổ thông Dân tộc nội trú cho đồng bào dân tộc Khmer 2 cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông với quy mô 700 học sinh; 1 Trường trung học phổ thông Dân tộc bán trú quy mô 400 học sinh đều dạy song ngữ Việt-Khmer trong chương trình chính khóa. Đặc biệt, con em đồng bào dân tộc Khmer đến với giảng đường đại học ngày một đông hơn. Hiện toàn tỉnh có 184 học sinh dân tộc Khmer vùng đặc biệt khó khăn được xét tuyển hệ dự bị đại học và hệ cử tuyển cao đẳng, đại học là 310 học sinh, sinh viên. Riêng công tác y tế, ngoài việc đầu tư hệ thống trạm y tế xã, tỉnh còn mở lớp đào tạo cán bộ y tế người dân tộc với sự hỗ trợ toàn phần cho học viên. Song song đó, tỉnh cũng đã giải quyết trên 1.000 thanh niên dân tộc Khmer có việc làm, phối hợp các doanh nghiệp tạo hàng ngàn việc làm tại chỗ, hỗ trợ nhiều lao động đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh đã thành lập Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú dành cho đồng bào dân tộc Khmer quy mô 800 học sinh với 9 ngành nghề đào tạo.

Từ sự hỗ trợ thiết thực của Đảng, Nhà nước, đã xuất hiện nhiều cá nhân tiêu biểu trong đồng bào dân tộc như Hòa thượng Chau Cắt, Thượng tọa Chau Sóc Khênh (Tịnh Biên) đứng ra vận động tiền, vật chất, nhân công xây dựng đường giao thông, kênh Mỹ Á; tỉnh lộ 948, phum Sà Rất; ông Chau Sơn Sóc Kunh (Tịnh Biên) với thành tích khôi phục giống lúa Nàng Nhen đặc sản phục vụ việc sản xuất, du lịch; hay nông dân sản xuất giỏi Neáng Phát (Tri Tôn) từ gia đình nghèo khó đã vươn lên thoát nghèo còn chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều bà con khác xóa đói giảm nghèo qua nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Kim Chi (Nguồn: Tạp chí Dân tộc - Số 117/2010)