Lớp học của chị em ở làng dân tộc Chơ Ro

03:24 AM 13/10/2010 |   Lượt xem: 2496 |   In bài viết | 

Học để đọc được cái chữ

 

7 giờ tối, lớp học đông đủ "học trò". Hôm nào vào vụ mùa, vắng nhất thì lớp cũng được gần 30 người, ngày nông nhàn thì có trên 40 học viên đến lớp. Tuy lớp học được tổ chức để xóa mù chữ cho phụ nữ ở làng dân tộc Chơ Ro, nhưng "học trò" của lớp cũng thật đặc biệt khi có cả đàn ông và trẻ nhỏ, thậm chí có gia đình cả nhà cùng đi học.

Trên những bộ bàn ghế học trò cũ kỹ xin được từ một trường tiểu học, những "học trò" của lớp học ngồi ngay ngắn với cuốn tập học trò và cây viết trước mặt. Khởi đầu ở nhiều trình độ khác nhau, nên trong giờ học, các thành viên không học viết chữ, làm toán chung với nhau, mà cô giáo kèm theo từng nhóm. Những bàn tay chai sạm sau những buổi lao động, giờ phải lọng cọng cầm bút viết những chữ o, a. Chị Nguyễn  Thị Gái, 45 tuổi, làm "học trò" của lớp học gần 2 năm, cho biết: "Bảo tôi lao động vất vả kiểu gì cũng làm được, chứ cầm cây bút nhỏ, nhẹ sao mà khó quá! Ban đầu học được mấy ngày, chán, tính bỏ ngang, nhưng thấy con cháu đọc chữ ào ào, có khi nó hỏi không biết trả lời nên quyết tâm học. Bây giờ tôi đã viết được chữ, làm được toán cộng trừ nhân chia đơn giản, biết làm cả sổ chi tiêu trong gia đình". Còn chị Điểu Thị  Lành, "học trò" khá nhất lớp, chia sẻ: "Cuộc sống của chị em phụ nữ ở làng dân tộc còn khó khăn. Đến lớp học, không chỉ được học chữ, học tính mà còn là nơi để chị em giao lưu, chia sẻ, học thêm những kiến thức khác nữa. Dù bận mấy tôi cũng cố gắng đến lớp. Hôm nào lớp nghỉ thì buồn lắm!".

Chị Dương Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ở làng dân tộc Chơ Ro - là người có công trong việc vận động chị em dân tộc đến lớp xóa mù. Bản thân chị cũng là người mù chữ, muốn học để giáo dục con, để đọc sách báo, xem tivi nên khi nghe có lớp học chữ, chị Hương là người đầu tiên đăng ký tham gia và tích cực vận động chị em đến lớp. Chị tâm sự: "Thời gian đầu, vận động chị em đi học không dễ, vì chị em sống rải rác, sau một ngày làm việc vất vả ngoài đồng chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi. Nhiều chị lại an phận, không cầu tiến... nên lớp học chỉ được vài người. Không nản, tôi cứ đến từng nhà vận động nhiều lần, có khi bị chồng họ la vì cứ đến "rủ rê" vợ con họ. Nhưng qua một thời gian, nhiều ông thấy vợ đọc được sách báo, viết được tờ đơn ra xã, biết tính tiền khi bán nông sản và có kiến thức xã hội, các ông giật mình và "thử" đến lớp học xem, thế rồi trở thành học trò còn "siêng" hơn cả vợ. Có gia đình nghèo, con cái bỏ học, tôi vận động đưa cả nhà đến lớp học luôn".

 

* Không chỉ dạy chữ

 

Để có được lớp học với sĩ số duy trì ổn định như ngày hôm nay, phải nói đến công sức của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Bình, mà người tiên phong là "cô giáo" Nguyễn Thị Là, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã.

 

Bà Đồng Thị Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, cho biết: "Trước đây, lớp được xã đứng ra tổ chức 2 lần, có giáo viên tiểu học đến dạy hẳn hoi, nhưng chỉ duy trì được 2 tuần thì... tan rã. Phần vì đường xa, tối tăm, chế độ trợ cấp quá ít ỏi, phần vì chị em dân tộc cũng không mặn mà lắm với việc học chữ. Thấy thế, chúng tôi xin với xã để Hội đứng ra tổ chức và chị Là tình nguyện lên lớp. Bằng cách vận động theo kiểu "phụ nữ chúng mình", cùng với việc lồng ghép nhiều chương trình, phong trào hoạt động của Hội, đã tạo ra không khí lớp học vui vẻ, thiết thực. Thế là chúng tôi thành công".

 

Để đến với các học viên, bà Là phải vượt qua hơn 4km đường vắng, sình lầy. Những ngày mưa cũng như ngày nắng, bà vẫn đến lớp. Hôm nào mưa quá thì bà nhờ con hoặc ông xã chở đi. Vốn là một nữ cựu tù chính trị ở Nhà lao Tân Hiệp, là người có kiến thức và khéo léo trong vận động, những buổi lên lớp của bà khá sinh động. Bà Là cho biết: "Thường giờ đầu tôi dạy chị em viết chữ, làm toán, giờ sau cùng chị em chia sẻ kiến thức về các vấn đề: giáo dục con cái, giữ gìn hạnh phúc gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con ngoan - khỏe, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phòng chống bạo lực gia đình v.v... và giải đáp các thắc mắc của chị em. Câu hỏi nào chưa trả lời ngay được, tôi về tìm tài liệu đọc, hôm sau trả lời. Cứ thế, chị em quý mình vì cách giao tiếp gần gũi và chân tình".

 

Bằng sự nhiệt tình và trách nhiệm của cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ xã, nhất là "cô giáo" Là, đến nay có 70% chị em phụ nữ dân tộc trong làng biết đọc, biết viết, 50% chị em biết làm toán và biết lập sổ chi tiêu gia đình. Hội cũng đã giúp cho 6 trẻ là con em đồng bào dân tộc học tại lớp ra trường tiểu học...

 

Phương Liễu (Nguồn: Báo Đồng Nai)