Bu Cao sau ba năm “xuống núi”

03:18 AM 08/11/2010 |   Lượt xem: 2562 |   In bài viết | 

Bà Giàng Thị Vàng thì quả quyết: “Ở bản mới, tuy đất có chật hơn nhưng mà thích lắm, sướng hơn trước rất nhiều!”.

Thôn Bu Cao, xã Suối Bu (Văn Chấn) xuống núi lập làng mới đến nay đã sang năm thứ ba. Cảnh quan nơi đây rất đẹp bởi có núi đá Hang Dơi, núi Cọ tạo thành cánh cung ôm ấp ngôi làng. Quãng tám chục hộ dân đều là người Mông ở san sát như phố bên cạnh những nương chè xanh ngát. Đứng ở đây phóng tầm mắt nhìn xuống xã Đồng Khê thật vô cùng thoáng đãng...

Nơi ở của bà con thôn Bu Cao trước đây chót vót gần đỉnh núi cao và cách nơi ở mới chừng hơn hai cây số. Các hộ dân lại ở rất xa nhau nên việc đầu tư xây dựng đường điện, đường giao thông cũng như việc chăm sóc sức khỏe, chuyện học hành của con em người Mông gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa, nơi đó lại có nhiều điểm mà nguy cơ sạt lở đất luôn rình rập nên huyện Văn Chấn quyết định vận động bà con xuống núi để ổn định cuộc sống. Dẫu vậy, việc vận động cũng không hề dễ dàng bởi đồng bào Mông thích ở trên núi cao, có đất rộng để làm nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm, tiện nguồn nước và củi đốt... Còn đến nơi ở mới, mỗi hộ chỉ có hơn 200 m2 đất thì chưa biết phải làm ăn thế nào...

Mối lo ngại ấy càng khiến họ không muốn rời đi. Song huyện vẫn quyết tâm tuyên truyền, vận động, làm cho bà con hiểu được những lợi ích của việc chuyển đến nơi ở mới và đây cũng chính là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào. Đi đôi cùng tuyên truyền, vận động, bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã đầu tư san gạt mặt bằng đất ở, xây dựng đường bê tông, đường điện, hỗ trợ bà con về tiền và công sức để chuyển đến nơi ở mới. Quyết tâm lớn, huyện đã thuyết phục được các hộ cùng nhau xuống núi định cư.

Kể từ ngày xuống núi đến nay, có thể nói rằng, đó là quãng thời gian chưa đủ dài để bà con người Mông thích nghi hoàn toàn với môi trường sống mới nhưng cũng đã đủ cho thấy, cuộc sống mới ngày càng đi lên chứ không hề khó khăn như lúc ban đầu bà con lo ngại, do dự... Ngày ngày, bà con vẫn trở lại nơi bản cũ làm nương rẫy và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đối với người Mông, đi bộ khoảng hai đến ba cây số đường dốc để canh tác là chuyện không có gì đáng ngại. Nhất là bây giờ, đa số các hộ đã mua được xe máy nên việc đi làm hay vận chuyển nông sản lại càng thuận lợi hơn. Đồng thời, tại bản mới, huyện cũng đã quy hoạch đất đai ở ven chân núi, đất đồng cỏ để bà con trồng hoa màu và phát triển chăn nuôi. Như thế, đất đai canh tác của bà con chỗ cũ còn nguyên rồi lại được mở rộng thêm nơi bản mới nên không hề ảnh hưởng đến sản xuất và ổn định nguồn lương thực. Cách làm ăn của bà con cũng có nhiều thay đổi.

Nhìn cảnh gắn bó và thân thiết trong cộng đồng, ông Mùa A Chú vui mừng: "Trước đây, ở bản cũ thì nhà nhà cách xa nhau, không có điện, đường lại khó đi nên tối đến ai biết nhà nấy chứ làm sao mà vui được như bây giờ...". Bà Giàng Thị Vàng thì quả quyết: "Ở bản mới, tuy đất có chật hơn nhưng mà thích lắm, sướng hơn trước rất nhiều!".

Trước đây, mọi nhu yếu phẩm đều xuống chợ mua hoặc do người vùng thấp mang lên cung ứng theo kiểu hàng đổi hàng thì nay trong bản đã có 4 hộ mở hàng quán kinh doanh tạp hóa. Chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò ngày trước chủ yếu thả rông nhưng nay đã chuyển sang nuôi nhốt, nuôi bán chăn thả. Chăn nuôi gia súc, gia cầm ở đây đã bắt đầu phát triển theo hướng hàng hóa. Như gia đình ông Mùa A Cháng có 4 con trâu, 1 con bò; ông Mùa A Của có 4 con bò; nhà Trưởng bản Mùa A Chang có 1 con trâu, 3 con bò và hầu hết đều là trâu, bò nái. Trong bản còn có khá nhiều hộ xây chuồng trại rộng rãi để nuôi lợn lai với quy mô từ 10 đến hơn 20 đầu lợn.

Có nhà còn xây cả bể xi măng để thử nuôi ba ba và nuôi cá. Mùa A Lay - chàng trai Mông là cán bộ địa chính xã mà tôi kéo đi làm “phiên dịch viên bất đắc dĩ” cho hay, điều đáng mừng nhất là bản mới có đường giao thông thuận tiện nên ô tô, xe máy của tư thương thường xuyên lên mua hàng, nông sản rất dễ bán, bán lại được giá hơn nhiều so với trước đây đã giúp bà con càng hăng hái tăng gia sản xuất. Đến nay, hầu hết các hộ dân đều đã mua được ti vi, giường, tủ, máy khâu và nhiều nhà lát nền bằng gạch hoa rất đẹp...

Cùng với những cải thiện vật chất, đời sống tinh thần của bà con đã thực sự đổi thay. Đi trong bản những ngày mưa bão không còn cảnh lầy lội đường đất. Đêm đêm, ánh điện sáng trưng và tiếng ti vi, tiếng nhạc... ngân vang trong mỗi căn nhà. Mùa hè tới, dân đã được dùng quạt điện. Trẻ em được học hành, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và được giao lưu... nên ngoan ngoãn, khỏe khoắn và bạo dạn hơn. Chiều về, sau mỗi buổi đi nương, không khí trong bản sôi động hơn, vui vẻ hơn. Những người đàn ông quây quần bên ấm trà trước sân bàn chuyện làm ăn. Các chị túm tụm bên nhau thêu thùa, may vá. Đám thanh niên trêu ghẹo nhau, cười đùa rôm rả. Còn lũ trẻ nô đùa tíu tít dọc theo con đường bê tông giữa bản hoặc trên các khoảng sân nhà rộng rãi...

Nhìn cảnh gắn bó và thân thiết trong cộng đồng, ông Mùa A Chú vui mừng: “Trước đây, ở bản cũ thì nhà nhà cách xa nhau, không có điện, đường lại khó đi nên tối đến ai biết nhà nấy chứ làm sao mà vui được như bây giờ...”. Bà Giàng Thị Vàng thì quả quyết: “Ở bản mới, tuy đất có chật hơn nhưng mà thích lắm, sướng hơn trước rất nhiều!”.

Tôi biết, huyện Văn Chấn đã có bản định cư của người Mông ở thôn Đồng Hẻo, xã Cát Thịnh và nay là bản Bu Cao, xã Suối Bu. Các bản định cư đều có chất lượng cuộc sống đi lên nhờ sự đầu tư của Nhà nước và sự nỗ lực của mỗi người dân. Thiết nghĩ, mô hình này cần được nhân rộng trong vùng đồng bào Mông không chỉ riêng ở Văn Chấn, nhất là những nơi đồng bào còn ở phân tán trên núi cao.  

Hoàng Nhâm (Nguồn: Báo Yên Bái)